Nghề Rèn Cầu Vực
  
Cơ sở rèn Trường Tiến, Cầu Vực, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy
Cơ sở rèn Trường Tiến, Cầu Vực, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy

Địa điển: Phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy

“Lấy anh không đói mà lo/Đổ than vô lò là có gạo mai…” là câu ca mà cho đến bây giờ, nhiều thế hệ người con làng rèn Cầu Vực (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) vẫn nhắc đến một cách tự hào.

Nghề Rèn Cầu Vực, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy được hình thành do một nhóm người Hiền Lương thuộc huyện Phong Điền di cư đến theo gia phả phái Hoàng Thế và các họ khác ở Hiền Lương, tính đến nay đã qua 7 - 8 đời, khoảng hơn 200 năm. Tại đây đã hình thành một xóm rèn, nằm bên cạnh Cầu Vực nên gọi là làng rèn Vực, được xem là trung tâm của nghề rèn thị xã Hương Thủy. Người dân xóm rèn vẫn giữ được phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt riêng của một làng nghề thủ công truyền thống, lấy kỹ nghệ rèn làm sinh kế, chất lượng sản phẩm rất cao. Sản phẩm của nghề rèn là các công cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt như cuốc, xẻng, cày, dao, rựa, kéo, bào, liềm, khung xe đạp ...

Khuynh hướng chuyên biệt về chủng loại sản phẩm cũng hình thành, có gia đình chuyên rèn kéo, nhà chuyên về rựa, người chuyên làm dao. Sản phẩm của làng rèn Vực có mặt ở hai thị trường lớn của đất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ngoài ra còn được tiêu dùng ở Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên.

Hiện nay, làng rèn Vực có 26 hộ tham gia làm nghề, chiếm 20% tổng số hộ của tổ dân phố. Trải qua nhiều khó khăn, những năm gần đây nghề rèn làng Vực đã có hướng phát triển, giá trị sản xuất đạt gần 60%, sản xuất theo đúng quy định của pháp luật, có tổ chức và hoạt động xã hội về nghề rèn, đảm bảo các quy định xã hội về vệ sinh môi trường.

Từ năm 2008, từ sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND thị xã Hương Thủy, đến nay, một số cơ sở rèn đã được đầu tư mua mới máy móc, thiết bị hiện đại giúp nâng chất lượng, sản lượng, mẫu mã và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nghệ nhân nghề rèn truyền thống - ông Huỳnh Thế Tiến (chủ cơ sở rèn Trường Tiến) cho biết, từ kinh phí hỗ trợ của thị xã, cơ sở rèn của anh đã được đầu tư xây dựng quầy trưng bày sản phẩm, mua mới máy dập trục khuỷu, máy cán, máy khoan và máy búa nén khí với công dụng dập phôi thô, giải quyết được khâu nặng nhất của quy trình tạo ra sản phẩm rèn. Kết hợp công nghệ hiện đại với phương pháp rèn truyền thống, những sản phẩm ngày càng tinh xảo, chất lượng, giá thành hạ và nâng cao cạnh tranh trên thị trường.

Nghề Rèn Cầu Vực, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 1/4/2014.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ